Tuyển người ở Google
Trung bình mỗi năm, Google nhận được hai triệu đơn xin việc trong khi chỉ tuyển vài nghìn. Nếu biết điều này sớm, tôi đã chẳng dám nộp đơn.

Một thời, Google hay phỏng vấn tuyển dụng bằng những câu hỏi kiểu như: "Một chiếc xe bus chứa được bao nhiêu quả bóng đánh golf?". Hãng này từng thuê hẳn biển quảng cáo trên cao tốc để đăng câu hỏi "Số nguyên tố đầu tiên có 10 chữ số trong chuỗi chữ số liên tiếp của e?" nhằm tìm được ứng viên giỏi.
Chiến dịch đó tốn kém không ít tiền và đã tuyển được chính xác là 0 người phù hợp.
Thật may, sau đó Google cũng như nhiều hãng công nghệ đã loại bỏ kiểu hỏi đánh đố. Họ nhận ra hiệu quả của nó không cao. Giả sử tìm được một ứng viên "Sherlock Homes" giải được câu đố cũng không lấy gì đảm bảo người đó sẽ thành công ở công ty. Vì ngoài tư duy logic, IQ, nhân viên còn cần EQ, các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm và nhiều kỹ năng khác.
Thay vì các câu hỏi hóc búa, Google sử dụng bài phỏng vấn Năng lực nhận thức chung (General cognitive ability - GCA) để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xoay sở và phong cách làm việc của ứng viên.
Họ sẽ hỏi những câu về tình huống giả định kiểu như, giả sử bạn phụ trách mở một trung tâm đào tạo ở Việt Nam, bạn sẽ chọn thành phố nào, kế hoạch ra sao.
Nếu bạn từng mở một trung tâm đào tạo cho công ty cũ rất thành công. Thế là ngay lập tức, bạn đưa ra đáp án "nên mở trung tâm đào tạo ở TP HCM". Và đó là câu trả lời điểm thấp điển hình.
Vì sao? Câu trả lời không giúp người phỏng vấn đánh giá được bất cứ năng lực gì. Họ chấm điểm trả lời của ứng viên theo các tiêu chí: Hiểu câu hỏi, có chiến lược chuẩn bị; khả năng nhận định các giải pháp khả thi; khả năng lựa chọn giải pháp tối ưu; khả năng giao tiếp, thuyết phục người khác về giải pháp mình đề xuất. Đáp án đúng ít quan trọng bằng cách bạn tổng hợp, phân tích thông tin và hướng tiếp cận để đưa ra giải pháp.
Vậy thì, để có câu trả lời tốt, sau khi nghe câu hỏi hãy dừng một chút, đừng nôn nóng nhảy ngay vào đưa giải pháp. Câu hỏi trên quá rộng và ít thông tin. Hãy đặt câu hỏi để thu thập thêm dữ kiện, ví dụ như mục tiêu của việc mở trung tâm là gì, ngân sách bao nhiêu, đối tượng đào tạo hướng tới là ai, học sinh cấp ba hay sinh viên, người đi làm...
Với nhà tuyển dụng, giải pháp ít quan trọng bằng việc bạn đã tư duy thế nào trong quá trình ra giải pháp. Nên, hãy chia sẻ quá trình bạn tư duy. Cho người nghe thấy bạn luôn có hơn một con đường để giải quyết vấn đề. Người phỏng vấn cũng muốn đánh giá khả năng lựa chọn quyết định tối ưu của ứng viên, hãy thể hiện điều này trong lời đáp. Ví dụ, sau khi khảo sát tôi nhận thấy có hai nơi phù hợp là TP HCM và Quy Nhơn. Tôi đề xuất chọn Quy Nhơn vì chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ tốt, có làng công nghệ gần bãi biển đẹp, thu hút được nhiều sinh viên phía Nam.
Đây chỉ là một trong năm vòng phỏng vấn ở Google, gồm: Nhân sự trao đổi với ứng viên qua điện thoại để đánh giá sự phù hợp, kỳ vọng của hai bên, giải thích về quy trình tuyển dụng, khoảng 30 phút; Phỏng vấn để đánh giá sơ bộ về chuyên môn, hiểu biết của ứng viên trong lĩnh vực ứng tuyển, khoảng 45 phút; Một nhóm người ở vị trí bạn đang ứng tuyển sẽ phỏng vấn, đánh giá chi tiết chuyên sâu về kiến thức, kinh nghiệm của bạn liên quan đến công việc nhằm đảm bảo ứng viên có khả năng đáp ứng được công việc, khoảng 75 phút; Vòng phỏng vấn GCA như tôi miêu tả ở trên - đặc trưng nhất của Google, khoảng 45 phút; Và sau cùng là vòng phỏng vấn kiểm tra năng lực lãnh đạo, tính cách, khả năng hoà hợp văn hoá, khoảng 45 phút.